Banner top Thư viện tỉnh Thanh hoá
  • Loading...

    THƯ VIỆN TỈNH THANH HÓA
60 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH (1956 - 2016)

     Thư viện tỉnh Thanh Hóa thành lập ngày 05/3/1956. Gắn liền với truyền thống xây dựng và trưởng thành của ngành Văn hóa Thông tin tỉnh nhà (nay là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong suốt 60 năm xây dựng và trưởng thành, Thư viện tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực cố gắng vươn lên xây dựng thư viện trở thành một Trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục của tỉnh. Trong những năm qua, Thư viện tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp hết sức quan trọng trong việc thu thập, bảo quản và phát huy vốn di sản văn hóa thư tịch của dân tộc. Tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Thư viện tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ luôn luôn đoàn kết, vượt mọi gian khó, năng động sáng tạo, thu hút ngày càng đông đảo bạn đọc đến thư viện học tập, công tác, nâng cao tri thức, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa quê hương đất nước.

     Thời kỳ 1956 - 1965:

     Ngày 05/3/1956, Ủy ban Hành chính tỉnh ra Quyết định thành lập Thư viện tỉnh Thanh Hóa. Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần nâng cao dân trí tỉnh nhà. Những ngày đầu mới thành lập, Thư viện chỉ có 3.000 cuốn sách các loại, trụ sở làm việc chưa có, được xếp chung với phòng Thể dục - Thể thao thị xã Thanh Hóa, cạnh hồ Máy Đèn. Mặc dù cơ sở vật chất còn nghèo nàn song với tinh thần trách nhiệm, Thư viện đã tổ chức phòng Đọc, phòng Mượn, thu hút nhiều người đến đọc và mượn sách, có ngày bạn đọc không đủ chỗ ngồi. Song song với việc phục vụ bạn đọc tại chỗ và cho mượn về nhà, Thư viện còn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách, xây dựng phong trào đọc và coi đó là khâu then chốt của hoạt động thư viện trong 5 năm đầu mới thành lập. Các đề tài về văn học, lịch sử trong các buổi nói chuyện giới thiệu tác giả, tác phẩm nổi tiếng như “Mười ngày rung chuyển thế giới” của nhà văn Mỹ- John Reed do ông Vũ Ngọc Khánh trình bày đã mở đầu cho hình thức nói chuyện diễn giả ở Thư viện Thanh Hóa. Hoạt động giới thiệu sách đã góp phần vào việc đẩy mạnh phong trào đọc sách, báo trong tỉnh, Thư viện đã tổ chức các cuộc thi đọc sách báo phục vụ tăng gia sản xuất, đây là những hoạt động để lại nhiều dấu ấn cho những người làm công tác thư viện tỉnh và bạn đọc lúc bấy giờ. Ngoài ra, thư viện tỉnh đã phối hợp với phòng văn hóa quần chúng tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về xây dựng tủ sách và thư viện cơ sở, góp phần đưa sách, báo đến với người dân. Được sự quan tâm của cấp uỷ và chính quyền các cấp trong thời gian này Thanh Hóa đã xuất hiện một số điển hình về phong trào xây dựng tủ sách, tiêu biểu là: xã Thọ Ngọc, huyện Thọ Xuân (nay là Triệu Sơn) được Chính phủ tặng Huân chương Lao động Hạng Ba năm 1959.

     Muốn thu hút đông độc giả đến thư viện, thư viện phải có nhiều sách, báo. Do đó, song song với phục vụ độc giả, thư viện tỉnh rất coi trọng việc phát triển vốn sách. Đến năm 1959, số lượng sách báo có trong kho thư viện đã lên tới 6.830 cuốn, số bạn đọc có thẻ mượn tăng lên 319 người và 70 bạn đọc tại chỗ. Đa số bạn đọc là cán bộ, học sinh và nhân dân lao động ở thị xã Thanh Hóa. Để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc đến đọc và tìm hiểu sách báo, năm 1959 Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư cho Thư viện tỉnh Thanh Hóa xây dựng trụ sở riêng tại phố Hàng Đồng (địa điểm hiện nay của Thư viện Thanh Hóa). Cùng với việc đầu tư xây dựng trụ sở, các trang thiết bị khác cho hoạt động thư viện cũng được đầu tư mua sắm như bàn ghế, giá sách, tủ đựng tài liệu... Với cơ sở vật chất được tăng cường hoạt động tại trung tâm thư viện tỉnh và công tác chỉ đạo phong trào được nâng lên rõ rệt. Trong 5 năm, thư viện tỉnh đã mở 12 lớp nghiệp vụ tại nhiều cơ sở, giúp cho các cán bộ phụ trách nhóm đọc sách báo và tủ sách cơ sở ở các địa phương hoạt động có hiệu quả và góp phần tích cực vào phong trào đọc sách báo và hoạt động văn hóa ở cơ sở.

     Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương Đảng, các chỉ thị của Bộ Văn hóa về công tác thư viện ở miền Bắc và xây dựng các thư viện kết nghĩa Bắc - Nam, năm 1960, Tỉnh ủy Thanh Hóa có Chỉ thị số: 41/CT-TW với yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động thư viện và phong trào vận động đọc sách báo trong toàn tỉnh nhằm giúp cho cán bộ và nhân dân nâng cao hiểu biết chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật. Để nâng cao chất lượng hoạt động thư viện và phong trào đọc sách, báo theo tinh thần Chỉ thị 41/CT-TW, dưới sự chỉ đạo của ty Văn hoá, thư viện đã phối hợp với phòng Văn hóa quần chúng tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tủ sách cơ sở và phát động phong trào đọc sách báo, mở rộng các cuộc thi kiến thức tìm hiểu về khoa học kỹ thuật nông nghiệp. Đáng chú ý là giới thiệu cuốn sách “Người quyết tâm thì lúa được mùa”. Thư viện tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp mở các cuộc thi đọc sách, báo tìm hiểu về nông nghiệp như: Công tác thuỷ lợi, phân bón, kỹ thuật chăm sóc lúa, hoa màu... Thiếu niên, nhi đồng là một trong các đối tượng thư viện cần phục vụ. Năm 1960, Thư viện Thanh Hóa tổ chức phòng đọc sách, báo dành riêng cho thiếu nhi với hơn 60 chỗ ngồi, có đầy đủ các thể loại sách thiếu nhi để phục vụ bạn đọc nhỏ tuổi. Đặc biệt, trong năm 1960, ty Văn hoá cùng Mặt trận Tổ quốc tỉnh thành lập Thư viện Thanh Hóa - Quảng Nam kết nghĩa. Khi mới thành lập, Thư viện Thanh Hoá - Quảng Nam có trên 3.000 cuốn sách do cán bộ và nhân dân Thanh Hóa chung tay đóng góp. Qua các năm số sách của Thư viện kết nghĩa thường xuyên được bổ sung và hoạt động ngày càng hiệu quả, lượng bạn đọc có ngày tăng lên tới hơn 100 người đến đọc sách tại Thư viện. Công tác gìn giữ, quản lý vốn sách cho quê hương đất Quảng được cán bộ thư viện hết sức quan tâm để hỗ trợ cho đơn vị kết nghĩa khi giải phóng thống nhất đất nước.

      Ngày 01/5/1961, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 08/CT-TW về việc “Tăng cường công tác văn hóa thư viện cơ sở”. Chỉ thị thực sự là động lực để thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng tủ sách ở các làng, xã trên quê hương Thanh Hóa. Chỉ trong một thời gian ngắn hàng loạt các tủ sách ra đời, mở đầu là Tủ sách xã Hoằng Xuyên (huyện Hoằng Hóa), tiếp theo là các tủ sách: Xã Xuân Thành (huyện Thọ Xuân), xã Quảng Ngọc (huyện Quảng Xương), xã Đông Thanh (huyện Đông Sơn), xã Thọ Vực (huyện Triệu Sơn), xã Yên Bái (huyện Yên Định), xã Vĩnh Thành (huyện Vĩnh Lộc)... Phong trào xây dựng tủ sách phát triển mạnh mẽ, đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, thôi thúc và động viên cán bộ Thư viện tỉnh Thanh Hóa hăng hái về cơ sở. Ngày 16/04/1964, Thư viện tỉnh đã tham mưu cho Ty Văn hoá phát động phong trào xây dựng tủ sách điển hình, xây dựng Thư viện huyện và thư viện xã. Chỉ sau 1 thời gian vận động, ngày 02/9/1964 thư viện huyện Vĩnh Lộc ra đời, là Thư viện huyện đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Có thể nói, đây là một bước chuyển biến rất hiệu quả và là sáng kiến hay của Thư viện tỉnh Thanh Hóa, có ý nghĩa lan tỏ trên phạm vi toàn miền Bắc. Đồng thời mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ phát triển hệ thống thư viện công cộng nhà nước ở Thanh Hóa. Với nhận thức đúng đắn của tập thể cán bộ Thư viện tỉnh Thanh Hóa về Chỉ thị 08/CT-TW của Ban Bí thư TW Đảng, cán bộ Thư viện tỉnh Thanh Hóa đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, năng động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, thách thức đạt được nhiều thành tích từ hoạt động trung tâm đến cơ sở. Tại trung tâm Thư viện tỉnh, số bản sách đã lên tới gần 60.000 bản, 957 bạn đọc đã đăng ký cấp thẻ mượn, đọc sách, được Bộ Văn hóa, Ủy ban Hành chính tỉnh tặng bằng khen và cờ luân lưu giai đoạn 1961 - 1964.

      Thời kỳ 1965 - 1975:

      Trong những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Thanh Hóa là một trong những tỉnh bị máy bay Mỹ tàn phá ác liệt. Trung ương Đảng ra Chỉ thị 104/CT-TW nêu rõ “nhiệm vụ cấp bách của toàn dân ta là chống Mỹ cứu nước”. Thực hiện nhiệm vụ của hậu phương lớn, miền Bắc vừa phải đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, vừa xây dựng Chủ nghĩa xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng và giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Do vậy, công tác thư viện đã xác định rõ vị trí và tầm quan trọng của sách, báo trong giai đoạn mới, cần phải phát động phong trào đọc sách về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Thời kỳ này, Thư viện tỉnh phải sơ tán về làng Hữu Bộc, Đông Ninh, Đông Sơn, Thanh Hóa với phương châm vừa phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vừa chuyển hướng, lấy địa bàn cơ sở để hoạt động và xây dựng thư viện cấp huyện làm nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh các phong trào đọc sách báo. Nhiệm vụ hàng đầu của Thư viện tỉnh Thanh Hóa là phải phối hợp tốt với các ngành liên quan trong tỉnh phát động phong trào đọc sách, báo. Ngay khi triển khai phong trào này đã lôi cuốn được hàng ngàn người tham gia hưởng ứng đọc sách. Các tác phẩm: “Người mẹ cầm súng”; “Sống như anh”; “Từ tuyến đầu Tổ quốc”; và các tập “Hàm Rồng chiến thắng”; “Thanh Hóa kiên cường”; “Người bạn văn hóa”... đã tạo nên sinh khí mới về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bảo vệ Tổ quốc. Hòa vào khí thế cách mạng, đồng chí Nguyễn Khánh Vinh - một trong những cán bộ thư viện tỉnh Thanh Hóa đã đăng ký tình nguyện lên đường nhập ngũ và anh đã anh dũng hy sinh tại chiến trường năm 1968. Phong trào đọc sách, báo đã trở thành một nhu cầu của các tầng lớp nhân dân. Điều đó đã thúc đẩy việc khẩn trương xây dựng thư viện huyện, xã trên khắp mọi miền của tỉnh Thanh Hóa. Sau Thư viện huyện Vĩnh Lộc là Thư viện Đông Sơn (1965), Thư viện Quảng Xương (1966), Thư viện Triệu Sơn (1967) lần lượt ra đời, đánh dấu sự phát triển của mạng lưới thư viện công cộng Thanh Hóa.

     Năm 1970, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 178/QĐ-CP về công tác Thư viện. Đây là văn bản đầu tiên của Nhà nước khẳng định nhu cầu và định hướng phát triển của sự nghiệp thư viện. Hình thành hệ thống thư viện khoa học và thư viện phổ thông từ Trung ương đến cơ sở. Từ định hướng đó, năm 1971 Uỷ ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa đã quyết định chuyển Thư viện Thanh Hóa từ “Thư viện đại chúng” lên “Thư viện Khoa học tổng hợp” với ý nghĩa sâu sắc về nhiệm vụ mới trước mắt và lâu dài là vừa phục vụ đại chúng, vừa ưu tiên phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ trung tâm nghiệp vụ chuyên môn, xây dựng và chỉ đạo hoạt động thư viện trong toàn tỉnh. Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành xây dựng phòng Ngoại văn và tăng cường thêm phòng đọc Địa chí, tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn phong phú, thực hiện phương châm “Sách đi tìm người đọc”, “Người cán bộ thư viện là chiến sĩ”; tập trung vào mục tiêu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng hoạt động của các Thư viện huyện và phong trào cơ sở, nhanh chóng tạo ra phong trào xây dựng Thư viện cấp xã. Năm 1974, Thư viện tỉnh đã chỉ đạo xây dựng thành công Thư viện xã Yên Quý (huyện Yên Định) - đây là thư viện đã có mặt sớm nhất tại Thanh Hóa. Sau đó, nhiều thư viện xã ở các huyện khác lần lượt ra đời, hình thành 3 cấp thư viện là: Thư viện tỉnh, thư viện huyện và thư viện xã của tỉnh Thanh Hóa. Trước thực tế phát triển của hệ thống thư viện, nhu cầu về trình độ chuyên môn đòi hỏi phải được nâng cao, Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất với lãnh đạo ngành Văn hóa Thông tin mở lớp Trung cấp chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thư viện ở địa phương. Những năm 1972 - 1974, khóa Trung cấp Thư viện đầu tiên với 24 học sinh do Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật chiêu sinh đã được khai giảng. Công tác đào tạo trình độ trung cấp đã được chính quy hóa thành một khoa của nhà trường.

     Thời kỳ 1975 - 1985:

     Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất. Ngày 21/01/1976 Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa ban hành Nghị quyết 01- NQ/TU về việc phát triển sự nghiệp văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn mới. Thư viện Khoa học tổng hợp đã phát huy sức mạnh tổng hợp, phối hợp với các ngành liên quan tập trung chỉ đạo phong trào đọc sách ở nông thôn, xây dựng Thư viện cơ sở và quản lý tốt sách báo hiện có, biến Nghị quyết 01-NQ/TU của Tỉnh ủy thành hiện thực. Thư viện tỉnh cùng phòng Văn hóa quần chúng, thư viện huyện cùng các ngành và các cấp, đoàn thể ở cơ sở vận động quần chúng, dấy lên phong trào đọc sách, báo ở các thư viện xã. Huyện Hậu Lộc được chọn làm thí điểm “đồng khởi”, xây dựng mạng lưới thư viện xã đồng loạt, không đầy nửa năm phát động 100% số xã trong huyện đều xây dựng được nhà thư viện, với số vốn tài liệu ban đầu là 1.500 đến 3.000 bản/1 thư viện. Với thành quả đó, Hậu Lộc là huyện đầu tiên trong tỉnh và cũng là toàn quốc hoàn chỉnh mạng lưới Thư viện xã. Sách báo đã về các khu dân cư và chỉ sau một thời gian ngắn “xóa điểm trắng thư viện” trở thành một cao trào với hào khí “Đông A” ở khắp nơi trong tỉnh, thi đua xây dựng mạng lưới thư viện xã. Qua phong trào thi đua, hầu hết các huyện đồng bằng, trung du đều đạt 100% số xã có thư viện. Riêng miền núi do điều kiện gặp nhiều khó khăn nhiều huyện hoàn thành được 60% kế hoạch. Với tốc độ phát triển thư viện nhanh, nhiều huyện mở lớp nghiệp vụ ngắn ngày với những kiến thức cơ bản về công tác thư viện để cung cấp kịp thời cán bộ thư viện địa phương. Đa số cán bộ thư viện xã đều đã tốt nghiệp phổ thông, say mê với sách báo, phần lớn là những cán bộ hưu trí. Phụ trách đào tạo các lớp thư viện xã đều là cán bộ thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh và phòng Văn hóa quần chúng (sau này là Khoa Thư viện Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Thanh Hóa) tổ chức. Việc chiêu sinh mở các lớp Thư viện xã là các năm từ 1976 - 1982 do phòng Văn hóa -Thông tin các huyện, thị đảm nhiệm. Công tác đào tạo cán bộ Thư viện xã chủ động nên phong trào xây dựng Thư viện xã ở các huyện, thị trong tỉnh thu được nhiều kết quả khả quan và sôi động một thời, đóng góp vào thành tích chung trong hoạt động sự nghiệp Thư viện Thanh Hóa. Ngoài ra, còn có các diễn giả nhiệt tình của trung ương và địa phương về các lĩnh vực khoa học, kinh tế, lịch sử, văn học, mỹ học,... được Thư viện tỉnh quan tâm mời về nói chuyện các chuyên đề và được tổ chức theo định kỳ từ trung tâm tỉnh đến cơ sở. Cùng với sự phát triển thông tin tuyên truyền của tỉnh; đội ngũ cán bộ Thư viện tỉnh đã trưởng thành, nhiều cán bộ công tác nghiên cứu, viết báo đăng tải giới thiệu sách, phổ biến những kinh nghiệm hoạt động trong công tác thư viện được các cấp, các ngành và các cơ quan thông tấn báo chí ủng hộ... Đáp ứng nguyện vọng của đồng bào Quảng Nam, ngày 17/6/1978 Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Văn hóa Thông tin, Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh Thanh Hóa đã làm lễ chuyển giao Thư viện Thanh Hóa - Quảng Nam kết nghĩa 84.000 bản sách từ Thanh Hóa vào phục vụ cán bộ đồng bào tỉnh Quảng Nam sau một thời kỳ xây dựng. Đây là thư viện kết nghĩa lớn nhất cả nước, là biểu tượng sinh động về nghĩa tình cao đẹp của thư viện và tấm lòng sâu nặng của nhân dân Thanh Hóa đối với đồng bào Quảng Nam.

      Trước sự phát triển của hệ thống Thư viện công cộng trong cả nước, năm 1977 Bộ Văn hóa -Thông tin đã ban hành quy chế tổ chức hoạt động của thư viện cấp tỉnh. Hai năm sau, năm 1979 Bộ Văn hoá - Thông tin ban hành Quy chế tổ chức hoạt động thư viện cấp huyện, thị và năm 1980 ban hành Quy chế tổ chức hoạt động thư viện cấp xã. Việc ban hành 03 Quy chế hoạt động thư viện của Bộ Văn hóa - Thông tin kịp thời giúp cho thư viện các cấp của Thanh Hóa hoạt động ổn định và tạo điều kiện để phát triển. Vinh dự cho Thư viện tỉnh, khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Hiếu và các Thứ trưởng vào làm việc với tỉnh, đã giành thời gian đến thăm, động viên, ghi nhận những thành tích đạt được trong công tác thư viện. Để duy trì và phát huy có hiệu quả vốn sách, báo các đồng chí lãnh đạo Bộ căn dặn và giao nhiệm vụ cho ngành Văn hóa Thông tin Thanh Hóa phải củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động và giữ cho được mạng lưới thư viện.

     Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng IV và Đại hội lần thứ V của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ “về công tác Thư viện, phải dấy lên một phong trào đọc sách và làm cho việc đọc sách, báo trở thành nhu cầu của người dân trong chế độ mới”. Tiếp thu đầy đủ tinh thần của Nghị quyết, Thư viện KHTH Thanh Hóa đã phát động phong trào xây dựng thư viện huyện, xã vững mạnh, hướng dẫn có hiệu quả việc đọc sách, báo trong cán bộ và nhân dân, phối hợp tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về sách, báo với các ngành Giáo dục, Y tế, Nông nghiệp và các đơn vị: Liên đoàn Lao động tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự, Đoàn thanh niên... Các ngành nhiều năm liên tục sát cánh cùng Thư viện KHTH tỉnh tổ chức tốt các cuộc thi “Chào mừng Đại hội Đảng, Bác Hồ với Thanh Hóa”, “Tuổi nhỏ anh hùng”. Cuộc thi đã thu hút hàng chục vạn người tham gia. Ngoài ra, Thư viện KHTH tỉnh phối hợp với Ban Khoa học kỹ thuật tỉnh đưa nông lịch xuống các cơ sở, giúp các hợp tác xã áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời tổ chức giới thiệu sách phục vụ nông nghiệp ở các trung tâm huyện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ của Thư viện đối với đời sống xã hội. Với những kết quả thành công trong công tác Thư viện đã để lại nhiều dấu ấn trong thời kỳ này. Thanh Hóa trở thành một trong những tỉnh điển hình cả nước về phong trào xây dựng và phát triển Thư viện xã, củng cố thư viện huyện và phục vụ sản xuất.

     Thời kỳ 1986 - 2001:

     Năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Những năm đầu việc cơ chế thay đổi, xóa bỏ bao cấp, thực hiện khoán sản phẩm trong nông nghiệp còn lúng túng, đã ảnh hưởng tới sự phát triển của thư viện. Bị hụt hẫng trước nền kinh tế thị trường, nhiều thư viện huyện gặp khó khăn chỉ hoạt động cầm chừng hoặc phải đóng cửa. Trước thực trạng đó, Thư viện KHTH tỉnh đã có sáng kiến, vận dụng linh hoạt Thông tư 97 liên Bộ Văn hóa Thông tin - Bộ Tài chính tham mưu đề xuất với UBND tỉnh, Sở Tài chính cho phép Thư viện KHTH tỉnh được thực hiện bổ sung sách tập trung để đảm bảo chất lượng hoạt động thư viện. Việc bổ sung sách tập trung đã giúp cho guồng máy của mạng lưới thư viện hoạt động nhịp nhàng, có hiệu quả. Từ đó, Bộ Tài chính có văn bản qui định chế độ quản lý tài chính và chính sách đầu tư của Nhà nước đối với Thư viện công cộng. Thư viện KHTH tỉnh xác định rõ vai trò trung tâm của mình trong việc chỉ đạo hoạt động của thư viện cơ sở. Thông qua việc tuyên truyền Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII thư viện chủ động đẩy mạnh công tác thư viện lên một tầm cao mới, tập trung vào phục vụ 03 chương trình kinh tế lớn của tỉnh: Sản xuất lương thực thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu; từ mục tiêu nói trên, Thư viện KHTH tỉnh đã lựa chọn bổ sung sách cho Thư viện KHTH tỉnh và Thư viện huyện. Riêng Thư viện KHTH tỉnh đảm bảo bổ sung vượt kế hoạch, đạt từ 10.675 - 13.175 bản sách (bao gồm sách Việt văn, Ngoại văn, Địa chí), nâng số bạn đọc đăng ký cấp thẻ từ 1.500 - 1.800 người và đưa hơn 50 thư viện xã đã đóng cửa trở lại hoạt động. Đặc biệt là chương trình mời diễn giả về giới thiệu sách, nói chuyện, chuyên đề, với nhiều đề tài phong phú, qui mô tổ chức rộng từ trung tâm xuống cơ sở đạt hiệu quả cao. Nhiều diễn giả đã trở thành thân thiết với Thư viện như: GS.Hoàng Thiều Sơn, GS.Hoàng Ngọc Hiến, nhà văn Sơn Tùng, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Bùi Vợi, Vũ Quần Phương, Nguyễn Duy, nhà nghiên cứu lịch sử Đặng Hoà,... Công tác nghiên cứu khoa học, biên soạn thư mục,       công tác Địa chí là những hoạt động để lại dấu ấn sâu đậm trong thời kỳ này. Việc xuất bản cuốn sách “Người biết làm giàu” đã đáp ứng kịp thời cho việc tuyên truyền về khoán 10 trong nhân dân. Các công trình nghiên cứu Địa chí Hậu Lộc, Ngư Lộc, Phú Lộc được xuất bản, công tác đào tạo mở các lớp Trung cấp vẫn được quan tâm. Với sự thuyết phục, chắp nối mối quan hệ với trường Đại học Văn hóa Hà Nội của thư viện KHTH, trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật được UBND tỉnh, Sở Văn hóa Thông tin giao nhiệm vụ chiêu sinh lớp Đại học Thư viện hệ tại chức (1984 - 1987) để tăng cường cán bộ có trình độ đại học cho hệ thống thư viện tỉnh, huyện. Sau 3 năm, thư viện tỉnh đã cử đi đào tạo được 16 cán bộ có trình độ Đại học và cử thêm cán bộ đi học Đại học hệ tại chức khóa (1994 - 1998), nâng tổng số cán bộ lên 25/26 có trình độ đại học.

      Nhờ chính sách mở cửa thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nền kinh tế của đất nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã có nhiều khởi sắc. Hoạt động sách báo và Thư viện được quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Thư viện Thanh Hóa đã thay đổi vượt bậc: Hoàn thành công trình nhà thư viện tỉnh 3 tầng với 800m2 đưa vào sử dụng năm 1992, với đầy đủ trang thiết bị bàn, ghế, giá, tủ và năm 1994, Bộ Văn hóa - Thông tin tài trợ cho thư viện tỉnh: 01 bộ máy vi tính, 01 máy photocopy.

     Năm 1992: Thư viện Thanh Hóa là đơn vị đầu tiên trong cả nước tổ chức trưng bày báo Xuân. Năm 1997, mô hình này đã được nhân rộng ra cả nước và phát triển thêm nhiều nội dung phong phú. Đến nay, triển lãm Báo Xuân thường xuyên được duy trì ở tất cả các thư viện tỉnh, thành trong dịp Tết đến, Xuân về.

     Năm 1993: Giám đốc Thư viện Phạm Thế Khang là một trong những người khởi xướng thành lập Liên hiệp thư viện các tỉnh Bắc miền Trung: Thanh, Nghệ, Tĩnh, Bình, Trị, Thiên. Nhân dịp khánh thành nhà thư viện mới, Thư viện Thanh Hóa vinh dự đăng cai tổ chức lễ thành lập Liên hiệp thư viện. Hơn 20 năm qua, Liên hiệp thư viện các tỉnh Bắc miền Trung vẫn duy trì hoạt động tốt, đưa lại hiệu quả cao trên nhiều lĩnh vực.

     Năm 1994: Thư viện đăng cai tổ chức hội nghị - hội thảo “Thư viện cấp huyện và cơ sở toàn quốc”. Khi đó, Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu cả nước về thư viện cấp huyện, cấp xã và đặc biệt là cấp thôn, làng. Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Nguyễn Khoa Điềm khi đó, đã chủ trì hội nghị - hội thảo. Đông đảo đại biểu thư viện cả nước về dự hội nghị, muốn tận mắt thăm quan mạng lưới thư viện tỉnh Thanh và trao đổi kinh nghiệm.

     Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thư viện tỉnh đã nhanh chóng chuyển đổi hoạt động cho phù hợp với cơ chế mới, đa dạng hóa, xã hội hóa hoạt động thư viện. Thư viện đã phối hợp với các ban, ngành và một số lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, nhằm phục vụ tốt nhu cầu đọc, nâng cao tri thức của nhân dân, thu hút đông đảo bạn đọc đến với thư viện. Thư viện KHTH đã chỉ đạo hệ thống thư viện công cộng tham gia tích cực các chương trình trọng điểm: xóa đói giảm nghèo, truyền thông dân số và kế hoạch hóa gia đình, xây dựng làng văn hóa, phòng đọc sách báo làng, phòng chống các tệ nạn xã hội, phục vụ tốt các đề tài nghiên cứu khoa học trong tỉnh, thiết thực thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

      Những năm 1996 - 2000, Thư viện KHTH tỉnh tiếp tục có những bước trưởng thành và phát triển, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh  tế, văn hóa, xã hội và khoa học của địa phương và chuẩn bị khởi đầu hoạt động thư viện trong một thiên niên kỷ mới, với nhiều thuận lợi và thách thức. Ngày 28/12/2000, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Pháp lệnh Thư viện, tạo điều kiện pháp lý vững chắc cho sự nghiệp Thư viện Việt Nam phát triển. Trong 5 năm (2001 - 2005), thực hiện Pháp lệnh Thư viện, hoạt động của Thư viện KHTH tỉnh đã có nhiều khởi sắc và phát triển mạnh mẽ. Thư viện tỉnh đã góp phần tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

      Có thể nói, công tác Thư viện trong giai đoạn này ở Thanh Hóa có nhiều cơ hội thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện Pháp lệnh Thư viện. Trong bối cảnh Thư viện còn gặp nhiều khó khăn về cơ cấu bộ máy tổ chức cũng như kinh phí, thì nhu cầu người sử dụng thư viện ngày càng cao. Thư viện tỉnh Thanh Hóa cùng một lúc phải tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ và phát triển các nguồn lực thông tin để đáp ứng nhu cầu đọc, học tập, nghiên cứu của nhân dân.

       Thời kỳ 2001 - 2016:

      Thực hiện các văn bản qui phạm pháp luật của Trung ương và địa phương, Thư viện KHTH tỉnh tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động thư viện từ tỉnh đến cơ sở. Căn cứ Pháp lệnh Thư viện, Thư viện KHTH tỉnh đã tham mưu cho sở Văn hóa, Thể dục, Thể thao và UBND tỉnh về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức hoạt động của thư viện. Thư viện đã tập trung sắp xếp và hoàn thiện bộ máy tổ chức cán bộ quản lý đến các phòng ban một cách khoa học; xây dựng các quy định hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc đến sử dụng vốn tài liệu; tăng cường bổ sung làm giàu vốn tài liệu, nhất là tài liệu địa phương; xử lý thông tin, biên soạn thư mục “Thanh Hóa qua báo chí Trung ương” phục vụ cán bộ lãnh đạo quản lý và bạn đọc; mở rộng việc phối hợp, học hỏi trao đổi nghiệp vụ với các tỉnh bạn; ưu tiên phát triển công nghệ thông tin, tiếp thu, chỉ đạo các thư viện huyện, xã thực hiện tốt dự án Bill and Melinda Gates trên địa bàn toàn tỉnh, mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ thư viện cấp xã và các điểm bưu điện văn hóa xã; xây dựng các nội dung về công tác xã hội hóa trên lĩnh vực thư viện và dự án tin học hóa hoạt động thư viện theo Quyết định của UBND tỉnh. Thực hiện Pháp lệnh thư viện và quy chế hoạt động của thư viện cấp tỉnh, thành phố, từ tên gọi Thư viện KHTH thư viện được đổi tên thành Thư viện tỉnh Thanh Hóa.

      Về cơ cấu bộ máy tổ chức

      Theo quyết định phân hạng năm 2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, thư viện tỉnh là thư viện hạng 3. Ngoài Ban Giám đốc có 04 phòng ban chức năng. Năm 2014, thực hiện Quyết định số 44/QĐ-SVHTTDL Thanh Hoá cho phép Thư viện tỉnh thành lập thêm 02 phòng chức năng nữa là phòng Xây dựng phong trào và phòng Tin học.

     Hiện nay, thư viện có 06 phòng chức năng là: Phòng Phục vụ bạn đọc, phòng Bổ sung - Biên mục, phòng Tin học, phòng Địa chí, phòng Xây dựng phong trào, phòng Hành chính - Tổng hợp và các tổ chức: Chi bộ, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Cựu chiến binh. Thư viện tỉnh Thanh Hóa ổn định bộ máy tổ chức, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, có những đóng góp tích cực trong công tác thu thập, tổ chức, bảo quản và phát huy vốn tài liệu có trong thư viện.

       Về công tác xây dựng vốn tài liệu - áp dụng chuẩn hóa hoạt động thư viện

Trong giai đoạn từ 2005 - 2007, thư viện tỉnh tiếp tục bổ sung tập trung cho hệ thống thư viện cấp huyện, thị, thành phố, bình quân mỗi năm bổ sung 35.000 - 40.000 bản sách với đầy đủ các thể loại, trong đó thư viện tỉnh bổ sung 9.000 - 10.000 bản sách/năm. Lúc mới thành lập, thư viện tỉnh chỉ có 3.000 bản đến nay đã có 410.000 bản sách, 270 đầu báo, tạp chí. Vốn tài liệu phong phú, với đầy đủ các môn loại khoa học và các loại hình ngôn ngữ như: Việt văn, Hán - Nôm, Anh văn, Nga văn, Pháp văn và sách điện tử. Ngoài ra, Thư viện tỉnh còn sưu tầm, bổ sung được hàng trăm luận văn từ thạc sĩ đến tiến sĩ thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Thư viện đã số hóa được nhiều tài liệu quý phục vụ các sự kiện trong nước và tỉnh Thanh Hóa như bộ sưu tập “Hàm Rồng chiến thắng” gồm 5 tập, bộ sưu tập “Nhà Hồ và Hồ Quý Ly”, “Thanh Hóa - Quảng Nam”, “Thanh Hóa với tỉnh Hủa Phăn”, “Văn hóa Đông Sơn”, “Đảng Bộ tỉnh Thanh Hóa qua các kỳ Đại hội”, “Thanh Hóa với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”, “Bộ sưu tập tài liệu Hán Nôm Thanh Hóa với lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”,... dịch thuật 3 tập sách của các học giả người Pháp viết về Thanh Hóa xưa. Ngoài nguồn sách mua, nhiều tổ chức, cá nhân đã đến biếu, tặng nhiều tác phẩm, bản thảo viết tay của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh, họa sĩ cho Thư viện. Cùng với việc tập trung xây dựng nguồn lực thông tin thư viện, từ năm 2008 Thư viện tỉnh Thanh Hóa thực hiện áp dụng chuẩn hóa hoạt động thư viện theo khung phân loại Quốc tế DDC và khổ mẫu biên mục MARC 21.

      Về công tác phục vụ bạn đọc

Do nhu cầu của bạn đọc đến thư viện tỉnh hàng năm tăng không ngừng, công trình tòa nhà 3 tầng được đưa vào sử dụng năm 1992 cho đến năm 2005 thực sự đã quá tải, chật chội, thư viện tỉnh phải dùng cả hành lang làm công tác tuyên truyền giới thiệu sách. Để đảm bảo tốt cho công tác phục vụ bạn đọc, thư viện tỉnh Thanh Hoá xây dựng đề án cải tạo lại toà nhà thư viện và xây dựng mới thêm 3 gian nhà cấp 4 để hoạt động, tiếp tục lập tờ trình lên UBND tỉnh cho thư viện tỉnh mở rộng khuôn viên thư viện, đồng thời tổ chức lại các phương thức phục vụ để tạo điều kiện cho bạn đọc sử dụng vốn tài liệu. Thư viện đã tổ chức và hồi cố hệ thống kho sách đọc, kho sách mượn, kho sách thiếu nhi và tổng kho lưu theo khung phân loại mới DDC. Được sự quan tâm của tỉnh, Thư viện đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện, xây dựng phòng đọc đa phương tiện, truy cập internet phục vụ bạn đọc. Nhiều hoạt động của thư viện như biên mục, quản lý vốn tài liệu, tra cứu tìm tin của bạn đọc đã được thực hiện qua máy tính. Năm 2012, thư viện tỉnh được hưởng lợi từ Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập inter- net công cộng tại Việt Nam” do quỹ Bill and Melinda Gates tài trợ. Thư viện được đầu tư hợp phần thiết bị gồm 20 bộ máy tính, 20 bộ máy phục vụ cho công tác đào tạo và được kết nối internet để bạn đọc tra tìm tài liệu. Hệ thống phòng Phục vụ bạn đọc gồm: Phòng mượn, phòng Đọc, phòng Tra cứu ngoại văn, phòng Thiếu nhi, phòng Địa chí, phòng Báo tạp chí, phòng đọc tài liệu lưu trữ,... Thư viện không ngừng cải tiến phương thức phục vụ bạn đọc. Công tác truyền thông vận động, mở rộng các hình thức phục vụ xuống các trường từ THCS, THPT, các trường Đại học, Cao đẳng được tăng cường, giảm các thủ tục không cần thiết khi bạn đọc đến đăng ký làm thẻ, tăng thời gian cho mượn sách hoặc tăng thêm số lượng bản sách cho bạn đọc mượn... Với những việc làm đó, số lượng bạn đọc đã tăng rất nhanh. Năm 2005, khoảng 3.000 người đăng ký làm thẻ, số lượt bạn đọc 200.000 lượt, số sách luân chuyển phục vụ bạn đọc đã tăng lên 460.000 lượt/năm. Công tác tuyên truyền giới thiệu sách, tổ chức Hội báo Xuân, triển lãm sách mùa xuân, triển lãm sách chuyên đề, hội thơ, trưng bày giới thiệu sách mới, lễ hội thư pháp, thư tịch cổ Hán - Nôm, hội thi tìm hiểu về sách, thiếu nhi đọc và kể chuyện theo sách thường xuyên được tổ chức để thu hút bạn đọc. Nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác thư viện trong thời kỳ mới, nhất là thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa quê hướng đất nước, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã quyết định đầu tư xây dựng lại thư viện theo hướng hiện đại.Qua bốn năm xây dựng, ngày 02/01/2016 tòa nhà thư viện 7 tầng có đầy đủ thiết bị hiện đại với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, 11.000m2 sàn sử dụng đã hoàn thành và đưa vào hoạt động. Nhà cửa được xây dựng khang trang, cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại được trang bị, thư viện tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để phục vụ đông đảo nhân dân, mở rộng đối tượng bạn đọc, có không gian thuận tiện để phục vụ người khuyết tật, bố trí phòng để trung tâm Anh ngữ hoạt động phục vụ cộng đồng và tổ chức các sự kiện, các kỹ năng sống...nên lượng bạn đọc đến thư viện ngày một tăng. Riêng năm 2015, đã có 4.300 bạn đọc đến làm thẻ, lượt sách báo luân chuyển lên tới 620.000 lượt, lượt bạn đọc 320.000 - 400.000 lượt. 06 tháng đầu năm 2016 đã có 3.290 bạn đọc đến làm thẻ.

       Về công tác xây dựng phong trào

Nhằm phát huy nhuồn lực và tính chủ động trong hoạt động của thư viện huyện, thị, thành phố, từ năm 2007 Thư viện tỉnh không bổ sung sách tập trung cho các thư viện huyện, thị, thành phố mà giao quyền chủ động cho các trung tâm Văn hóa Thông tin huyện, thị, bổ sung vốn tài liệu cho thư viện mình. Đến nay, các huyện, thị vẫn duy trì tốt công tác bổ sung. Ngoài ra, thực hiện quyết nghị của HĐND tỉnh về vấn đề giao ngân sách hàng năm, sở Tài chính hàng năm cấp 50.000.000đ cho các thư viện huyện, thị, thành phố bổ sung sách, báo hàng năm. Nhờ vậy, mạng lưới thư viện cơ sở hoạt động hiệu quả và có những bước phát triển tốt. Với phương châm xã hội hóa, đa dạng hóa các mô hình đọc sách, báo ở cơ sở, mỗi năm thư viện tỉnh chỉ đạo khai trương bình quân từ 50 - 70 phòng đọc sách báo cơ sở. Đến năm 2015, toàn tỉnh đã có: 3.900 phòng đọc sách, báo làng; 170 thư viện xã; 04 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng. Đặc biệt, năm 2012 có 23 Thư viện huyện, 28 Thư viện xã được trang bị phòng đọc đa phương tiện do quỹ Bill and Melinda Gates tài trợ. Thư viện tỉnh đã phối hợp tốt với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, sở Thông tin - Truyền thông, sở Tư pháp, các Trại giam trên địa bàn tỉnh ký kết các chương trình phối hợp và chỉ đạo xây dựng luân chuyển sách báo xuống các thư viện, tủ sách ở các đồn biên phòng nơi biên giới hải đảo, tủ sách pháp luật, Thư viện Trại giam Thanh Phong, các điểm Bưu điện văn hóa xã. Mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách phòng đọc sách, báo ở cơ sở, Thư viện xã, cán bộ Bưu điện - Văn hóa xã...

       Về công nghệ thông tin

Việc đẩy mạnh công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện trong thời kỳ hội nhập và phát triển là hết sức cần thiết. Do vậy, Thư viện tỉnh đã mạnh dạn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện, từng bước hiện đại hóa công tác thư viện. Được sự quan tâm của tỉnh, của Bộ VH,TT&DL và Bộ TTTT, cho đến nay Thư viện tỉnh Thanh Hóa đã có một hệ thống trang thiết bị Công nghệ Thông tin hiện đại với các phần mềm thư viện đạt chuẩn. Thư viện tỉnh có phòng đọc đa phương tiện với diện tích 300m2, 100 bộ máy tính cấu hình cao, 03 máy chủ và đầy đủ các thiết bị ngoại vi khác hiện đại... rất tiện lợi cho bạn đọc đến khai thác tìm tin và các tác nghiệp của cán bộ trong công tác nghiệp vụ thư viện. Hiện nay, thư viện có hệ thống máy tính với 130 máy trạm cấu hình cao, trong đó dành riêng cho máy tra cứu của bạn đọc ở các phòng phục vụ 18 máy. Tháng 8/2016, Thư viện tỉnh đã xây dựng xong trang thông tin điện tử tổng hợp của đơn vị hòa vào mạng internet để phục vụ bạn đọc. Thư viện tỉnh đang xây dựng đề án trình UBND tỉnh nâng cấp công tác tin học thư viện tỉnh Thanh Hóa từ Thư viện điện tử lên Thư viện số vào cuối. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã làm thay đổi diện mạo, vị thế và chất lượng hoạt động của thư viện tỉnh Thanh Hóa.

       Về công tác Địa chí

Để phục vụ cho công tác nghiên cứu về Thanh Hóa của bạn đọc, công tác khai thác, sưu tầm và dịch thuật, xây dựng kho sách viết về địa phương là hết sức quan trọng. Vì vậy, Thư viện tỉnh đã ưu tiên đặc biệt cho công tác xây dựng kho tư liệu địa chí bằng nhiều hình thức, từ đầu tư kinh phí để bổ sung, sưu tầm các thư tịch cổ Hán Nôm, văn bia, thần tích, thần sắc, sách cổ và các tài liệu của các học giả xưa viết về Thanh Hóa đang lưu giữ ở các trung tâm nghiên cứu Trung ương và Viện Hán - Nôm. Đóng sửa, phục chế các tài liệu cũ, quản lý chặt chẽ và giới thiệu các tài liệu quý hiếm, biên soạn các thư mục tài liệu Địa chí phục vụ người đọc. Hiện nay, số lượng tài liệu trong kho Địa chí của Thư viện tỉnh có 25.000 bản. Thư viện tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm, sao chụp, bổ sung các tài liệu Hán - Nôm, tiếng Pháp, tài liệu Thanh Hóa trước năm 1945 và tài liệu Thanh Hóa từ 1945 - 1975 ở các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia để xây dựng kho Địa chí thành một “Thư viện địa chí” trong trung tâm thư viện tỉnh. Trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, sắp xếp tổ chức kho Địa chí khoa học theo phương thức phục vụ kho mở, đồng thời biên soạn, sưu tầm xuất bản được nhiều bộ sưu tập có giá trị phục vụ đông đảo bạn đọc, chào mừng các sự kiện trọng đại của quê hương đất nước, đáp ứng nhu cầu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Theo kế hoạch, tháng 10/2016 việc tổ chức hồi cố tài liệu địa chí sẽ được triển khai.

        Ghi nhận những thành tích và công lao đóng góp của các thế hệ cán bộ thư viện tỉnh Thanh Hóa, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho Thư viện tỉnh nhiều phần thưởng cao quí:         

       Năm 1967: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Bằng khen.

       Năm 1996: Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

       Năm 2006: Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương hạng Nhì.

       Nhiều năm liên tục, Thư viện tỉnh Thanh Hóa đã được Bộ VH,TT&DL và UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc. Được nhiều cấp, nhiều ngành tặng bằng khen và giấy khen. Nhiều thế hệ cán bộ thư viện đã được khen thưởng.

       Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, Thư viện tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng lớn mạnh. Từ một cơ sở nhỏ bé đến nay đã có tòa nhà 7 tầng khang trang với đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Vốn tài liệu từ 3.000 bản sách khi thành lập đến nay đã có 410.000 bản, 270 loại báo, tạp chí và hàng 10.000 tài liệu Hán Nôm quý hiếm. Thư viện tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của hệ thống thư viện công cộng tỉnh Thanh Hóa và đóng góp nhiều bài học kinh nghiệm cho hệ thống thư viện toàn quốc, là chỗ dựa đáng tin cậy cho hệ thống thư viện tỉnh nhà thực hiện tốt các chủ trương, kế hoạch của Vụ thư viện và sự hướng dẫn nghiệp vụ của Thư viện Quốc gia. Với quyết tâm xây dựng Thư viện tỉnh Thanh Hóa phát triển theo hướng kết hợp thư viện truyền thống và thư viện hiện đại, tăng cường xây dựng thư viện điện tử, thư viện số nhằm phát huy mạnh mẽ các giá trị kho tàng tri thức, khai thác tốt nhất nguồn tài nguyên thông tin có trong thư viện để phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của quê hương Thanh Hóa, hội nhập với thư viện các tỉnh bạn và các nước trong khu vực, góp phần phát triển sự nghiệp thư viện tỉnh nhà ngày một lớn mạnh. Phát huy truyền thống 60 năm xây dựng và trưởng thành, để xứng đáng với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hội thư viện và với những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh đã trao tặng, thư viện tỉnh Thanh Hóa đang tập trung nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa các chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng Thư viện tỉnh Thanh Hóa ngày càng hiện đại, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương, góp phần xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

THƯ VIỆN TỈNH THANH HÓA

Thư viện số Tra cứu sách

KẾT NỐI WEBSITE

Bộ VHTTDL Sở văn hóa thể thao và du lịch thanh hóa Thư viện quốc gia việt nam

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

LƯỢT TRUY CẬP